Friday, 22/11/2024 | 22:09 GMT+7
Một nhóm các công ty năng lượng lớn, bao gồm General Electric, Siemens, RWE, Iberdrola, Statoil và Vattenfall đã cam kết rằng công nghệ của họ sẽ tạo ra điện gió rẻ hơn nhiên liệu hóa thạch cho châu Âu trong vòng một thập kỷ tới - nhưng chỉ khi các nhà hoạch định chính sách của EU thực hiện các bước đi cần thiết để hỗ trợ họ đạt được mục tiêu đó.
Lời cam kết đã đặt ra thách thức cho các nhà lãnh đạo châu Âu là phải định vị lại tầm quan trọng của điện gió ngoài khơi trong việc đảm bảo một tương lai vững chắc về vấn đề năng lượng. Trước đó, Ủy ban châu Âu từng có ý định đặt khí gas là nguồn năng lượng ưu tiên để đảm bảo an ninh năng lượng.
Trong một bức thư ngỏ, đại diện lãnh đạo cấp cao của nhóm các công ty đã viết: "Năng lượng gió ngoài khơi sẽ hoàn toàn cạnh tranh được với các nguồn năng lượng thông thường trong vòng một thập kỷ tới. Ngành công nghiệp này đang trên đà đạt được tham vọng giảm chi phí và sẽ là một phần thiết yếu trong mục tiêu đảm bảo an ninh năng lượng và giảm thiểu cácbon của châu Âu. Tuy nhiên, các nhà hoạch định chính sách của châu Âu cần tạo ra tầm nhìn rõ ràng cho ngành công nghiệp năng lượng gió với các điều luật hỗ trợ mạnh mẽ để giúp các nhà đầu tư yên tâm phát triển ngành công nghiệp này ".
Năng lượng gió ngoài khơi hiện đắt hơn đáng kể so với năng lượng gió trên đất liền bởi những khó khăn trong việc xây dựng và vận hành các hệ thống. Một số dự án đã bị trì hoãn và thậm chí có nguy cơ bị hủy bỏ.
Theo nhóm các công ty, đến năm 2025, năng lượng gió ngoài khơi sẽ có giá không quá 80 €/MWh, tức là thấp hơn đáng kể so với chi phí sử dụng nhiên liệu hóa thạch như than đá, nguồn cung năng lượng mà hầu hết các nước châu Âu phải nhập khẩu và còn phải chịu các loại thuế các-bon. Mức giá này cũng thấp hơn so với giá điện hạt nhân.
Hiện tại, công suất năng lượng gió ngoài khơi trên toàn EU mới chỉ đat 11GW, ít hơn một phần mười công suất điện gió trên đất liền (131 GW). Tổng cộng, ngành công nghiệp năng lượng gió cung cấp khoảng 11% nhu cầu điện.
Anh vẫn là nước dẫn đầu về năng lượng gió ngoài khơi, với 46% thị phần, tuy nhiên Đức đang bắt kịp nhanh với thị phần 30%. Thành tích dẫn đầu của Anh phần lớn là kết quả của việc Chính phủ đặt áp lực lên ngành năng lượng gió trên đất liền, buộc các công ty phải tìm cách khai thác nguồn năng lượng gió ngoài khơi.
Ngành công nghiệp năng lượng gió ở Anh không còn hy vọng xây dựng các dự án lớn trên đất liền. Lý do là hầu hết những địa điểm khai thác điện gió tốt nhất ở Anh đã được sử dụng, và không còn hỗ trợ từ Chính phủ, các dự án này đã kém cạnh tranh hơn. Ngoài ra, điều kiện địa lý đất liền cũng khiến tốc độ tuabin thấp hơn so với ngoài khơi.
Tuy có tiềm năng phát triển, ngành công nghiệp điện gió ngoài khơi ở Anh nói riêng và châu Âu nói chung đang gặp nhiều khó khăn, nhất là về vấn đề tài chính và kỹ thuật. Một trong những dự án điện gió mới nhất, Neart na Gaoithe, triển khai tại Scotland, hiện đang có nguy cơ bị trì hoãn còn các dự án khác thì đạt đến giai đoạn xây dựng và đi vào hoạt động một cách rất chậm chạp.
Hoa Nguyễn (Theo The Guardian)