Saturday, 23/11/2024 | 00:27 GMT+7

Planet In Green được lựa chọn xây dựng nhà máy điện mặt trời 100 MW ở Iran

01/07/2016

Planet in Green đang được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những công ty nước ngoài đầu tiên tiến hành các dự án năng lượng tái tạo ở Iran.

Trong vài tháng gần đây, nhiều công ty nước ngoài đã lên kế hoạch thực hiện các dự án điện năng tái tạo ở Iran. Hiện nay, Planet in Green, công ty chuyên tư vấn về lĩnh vực năng lượng tái tạo của Đức đang được kỳ vọng sẽ trở thành một trong những công ty nước ngoài đầu tiên tiến hành các dự án năng lượng tái tạo ở quốc gia Trung Đông này. 

Planet In Green vừa tuyên bố rằng công ty đã được chính phủ Iran lựa chọn để xây dựng nhà máy điện mặt trời với công suất 100 MW. Công ty vừa ký kết hợp đồng mua bán điện kéo dài 20 năm với một tổ chức năng lượng tái tạo của Iran. 

Planet In Green cũng cho biết công ty đang bắt tay vào quá trình chuẩn bị cho dự án này. Quá trình xây dựng được kỳ vọng sẽ bắt đầu vào cuối năm nay. Planet In Green sẽ bán điện với mức giá 10,5 US¢/ kWh. 

Công ty này cũng lên kế hoạch thực hiện những dự án điện mặt trời khác với công suất lắp đặt thấp hơn từ 10 - 20 MW. 

Năm ngoái, một công ty của Đức cũng ký kết một thỏa thuận với chính phủ Iran để lắp đặt 1,25 GW công suất điện mặt trời. Theo bản thảo thuận này, 500 MW công suất sẽ được lắp đặt ở tỉnh Tehran, trong đó có 150 MW ở Kahrizak, 200 MW ở Varamin và 150 MW ở Malard. Ngoài ra, 750 MW công suất cũng sẽ được lắp đặt ở trung tâm vùng Isfahan và phía tây bắc vùng Tabriz. 

Chính phủ Iran ký kết thỏa thuận này để đạt được mục tiêu lắp đặt 5 GW công suất điện năng tái tạo đến năm 2020. Việc lắp đặt 500 MW công điện suất gió và 100 MW công suất điện khí gas sinh học cũng vừa được bắt đầu. 

Nhiều công ty nước ngoài đang tìm cách đầu tư vào thị trường năng lượng tái tạo của Iran bởi phần lớn thị trường chưa được khai thác. Một nhóm các công ty của Iran, Ấn Độ và Hàn Quốc đang hướng đến mục tiêu xây dựng một công viên năng lượng ở tỉnh Khuzestan gồm 1 GW công suất điện mặt trời trong một dự án được đầu tư lên đến 10 tỷ đô la. Ngoài ra, các công ty của Đức cũng được kỳ vọng sẽ bắt đầu xây dựng nhiều nông trại gió ở Iran vào năm sau. 

Ngọc Diệp (Theo Cleantechnica.com)