Friday, 22/11/2024 | 16:28 GMT+7

Năng lượng tái tạo - Hướng phát triển kinh tế bền vững của tỉnh Quảng Trị

18/11/2021

Quảng Trị được đánh giá là địa phương có tiềm năng để phát triển năng lượng tái tạo tại miền Trung. Phát huy lợi thế của vùng đất nắng và gió khắc nghiệt, tỉnh Quảng Trị đang quyết tâm biến những bất lợi của thiên nhiên trở thành động lực và dư địa phát triển kinh tế theo hướng bền vững.

Cách đây 10 năm, khi Uỷ ban Nhân dân (UBND) tỉnh Quảng Trị cho phép khảo sát đo vận tốc gió trung bình năm tại địa bàn huyện miền núi Hướng Hóa, ít ai nghĩ nơi đây sớm hình thành những “cánh đồng điện gió”.
Với tốc độ gió trung bình đạt từ 6 - 7 m/s, huyện Hướng Hóa được đánh giá là một trong những nơi có tiềm năng lớn để phát triển năng lượng điện gió trên bờ tại miền Trung và đang thu hút nhiều nhà đầu tư chiến lược trong phát triển năng lượng tái tạo như Tập đoàn T&T, Gazprom, EGATi, Tân Hoàn Cầu, Gilex… Các cơn gió Lào khắc nghiệt miền Tây Quảng Trị giờ đây đang góp phần đưa địa phương trở thành một trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung và của quốc gia.
Đến nay, đã có 18 dự án điện gió được triển khai đầu tư, xây dựng tại huyện Hướng Hoá, riêng xã Hướng Linh có tới hơn 10 dự án. Tính đến ngày 1/11 vừa qua, đã có 16 dự án điện gió với tổng công suất 632,2 MW đi vào vận hành thương mại.
Trong số 29 dự án điện gió đã và đang được triển khai, tỉnh Quảng Trị đã chuyển đổi 148 ha rừng (không có diện tích rừng tự nhiên) để lấy đất xây dựng. Bên cạnh đó, diện tích đất dành cho phát triển năng lượng điện gió tại tỉnh Quảng Trị đã được quy hoạch là 439 ha trong tổng số 1.800 ha được quy hoạch dành cho phát triển năng lượng toàn tỉnh.
Huyện miền núi Hướng Hoá hiện đã trở thành trung tâm điện gió phía Tây tỉnh Quảng Trị
Tính tổng thể, tỉnh Quảng Trị có khả năng phát triển được 8.290MW các dự án năng lượng tái tạo nếu được phê duyệt quy hoạch. Đây được xem là lợi thế rất lớn để địa phương tạo đột phá thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; công nghiệp năng lượng được xem là một trong 3 trụ cột phát triển kinh tế chủ lực của tỉnh Quảng Trị.
Đứng trước cơ hội bứt phá để trở thành trung tâm năng lượng phía Bắc miền Trung khi số dự án đầu tư về năng lượng tái tạo tăng kỷ lục trong thời quan qua, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị ông Võ Văn Hưng cho biết: “Phát triển năng lượng tái tại là chủ trương lớn, đem lại lợi ích kinh tế xã hội đóng góp lớn vào nguồn thu ngân sách, ít tác động đến môi trường. Ví dụ, 1MW điện gió chỉ chiếm hơn 0,6 ha nhưng lại đóng góp tới 700 triệu đồng/năm cho ngân sách địa phương”.
Còn theo ông Lê Tiến Dũng, Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Quảng Trị, chia sẻ “Giá trị sản xuất công nghiệp của tỉnh Quảng Trị mỗi năm khoảng 40.000 tỷ đồng, bây giờ có thêm các dự án điện gió đã được công nhận công nhân vận hành thương mại thì mỗi năm sẽ tăng thêm khoảng 5.000 - 7.000 tỷ đồng”.
Để hiện thực hóa mục tiêu đã được Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII xác định xây dựng Quảng Trị thành trung tâm năng lượng của khu vực miền Trung vào năm 2030, lãnh đạo tỉnh Quảng Trị đã và đang nỗ lực làm việc với Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương có liên quan và các nhà đầu tư để bổ sung quy hoạch và sớm triển khai thực hiện các dự án công nghiệp năng lượng trên địa bàn tỉnh.
Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Trị đã ban hành Chương trình hành động số 15 ngày 27/4/2021 để thực hiện Nghị quyết số 55 ngày 11/2/2020 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; đồng thời, thành lập Ban Chỉ đạo các dự án động lực cấp tỉnh và tổ chức họp về các dự án phát triển điện lực trên địa bàn tỉnh.
UBND tỉnh Quảng Trị hiện tập trung chỉ đạo quyết liệt để hỗ trợ giúp nhà đầu tư tháo gỡ khó khăn cho các dự án năng lượng đang triển khai trên địa bàn tỉnh. Với chủ trương tập trung ưu tiên thu hút đầu tư về điện gió (quy hoạch hướng đến đạt 3.000MW-4.500 MW), trong năm 2021 có khoảng 1,5 tỷ USD - 2 tỷ USD được đầu tư ở phía Tây Quảng Trị.
Theo các chuyên gia, diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19 đã gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động kinh tế ở Việt Nam nói riêng và toàn cầu nói chung nhưng cũng mở ra một số hướng đầu tư mới, bao gồm lĩnh vực năng lượng tái tạo. Việc đẩy mạnh phát triển năng lượng tái tạo hứa hẹn đem lại nhiều kết quả tích cực cho các doanh nghiệp cũng như thúc đẩy quá trình phát triển kinh tế bền vững của quốc gia.
Với sự tích cực, chủ động và quyết tâm cao của lãnh đạo tỉnh, đến nay vóc dáng của trung tâm năng lượng tái tạo của miền Trung đã dần hiện hữu trên địa bàn tỉnh Quảng Trị, là điểm sáng thu hút đầu tư đối với các doanh nghiệp năng lượng tái tạo hàng đầu trong và ngoài nước.
Theo: Tạp chí Công Thương