Monday, 16/09/2024 | 19:52 GMT+7

Thúc đẩy phát triển điện mặt trời ở TP Hồ Chí Minh

04/09/2023

Ngay khi Nghị quyết 98 của Quốc hội có hiệu lực, Sở Công thương TP Hồ Chí Minh phối hợp với Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện lắp đặt hệ thống điện mặt trời (ĐMT) trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập. Theo kế hoạch, việc lắp đặt hệ thống ĐMT được thực hiện từ tháng 9/2023.

Theo Đề án phát triển ĐMT mái nhà trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2026-2030, thành phố sẽ lắp đặt khoảng 1.505 MWp, đạt 29,62% tổng tiềm năng ĐMT mái nhà, đáp ứng 13,60% nhu cầu công suất và 4,29% nhu cầu tiêu thụ điện năng toàn thành phố. Tổng vốn đầu tư cần khoảng 26.012 tỷ đồng.
Ông Phạm Bình An - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP Hồ Chí Minh cho biết, thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nguồn ĐMT mái nhà của Chính phủ, trong thời gian qua nhiều hộ gia đình, cơ quan, doanh nghiệp (DN) trên địa bàn thành phố đã lắp đặt các hệ thống ĐMT trên mái nhà, mái công trình để phát điện. Hầu hết sản lượng điện năng phát sẽ được tiêu thụ tại chỗ, phần điện năng dư còn lại (nếu có) sẽ phát ngược lên lưới điện và được Tổng Công ty Điện lực TP Hồ Chí Minh (EVNHCMC) mua lại.
Lắp đặt điện mặt trời trên mái nhà vừa giúp tăng nguồn cung điện, vừa giúp tiết kiệm chi phí.
Hiện trên địa bàn thành phố có hơn 14.200 hệ thống ĐMT mái nhà với tổng công suất lắp đặt gần 360MWp, có khả năng đáp ứng từ 8 - 10% nhu cầu công suất toàn thành phố trong những thời điểm bức xạ cao, chiếm tỉ lệ 3,71% ĐMT trên mái nhà của cả nước. Tuy nhiên, từ đầu năm 2021 đến nay, việc ký hợp đồng mua bán ĐMT trên mái nhà đang tạm dừng để chờ cơ chế, chính sách mới của Chính phủ.
Chính vì vậy, việc thúc đẩy phát triển ĐMT mái nhà được đưa vào Nghị quyết 98 là mong đợi của người dân. Việc đầu tư ĐMT trên mái nhà các trụ sở cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công, trụ sở của các cơ quan, đơn vị, vừa góp phần tăng thêm nguồn cung điện cũng như tiết kiệm khá lớn cho ngân sách… Đặc biệt, việc phát triển hệ thống ĐMT mang ý nghĩa về mặt xã hội và môi trường khi thúc đẩy phát triển nguồn năng lượng sạch, xanh, góp phần giảm hiệu ứng nhà kính, giảm phát thải khí CO2 và giảm bức xạ nhiệt cho các tòa nhà.
Tuy nhiên, ông Bùi Trung Kiên - Phó Tổng Giám đốc EVNHCMC cũng cho rằng, thời gian nghỉ trưa là bức xạ nhiệt lớn nhất hoặc trong những ngày nghỉ sẽ dôi dư sản lượng điện rất lớn, nếu không cho phát ngược lên lưới điện thì không tính được hiệu quả đầu tư dự án. Do đó, EVNHCMC kiến nghị cần có hệ thống lưu trữ năng lượng ở thời gian nghỉ trưa, ngày nghỉ.
TP Hồ Chí Minh có nhu cầu rất lớn về năng lượng nhằm phục vụ cho các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, nhưng nguồn năng lượng điện cung cấp cho TP Hồ Chí Minh hiện không đủ nhiều, phải sử dụng thêm nguồn năng lượng từ các địa phương lân cận. Vì vậy, việc phát triển nguồn năng lượng tại chỗ để cung cấp cho thành phố là hết sức cần thiết. TP Hồ Chí Minh đã ưu tiên quy hoạch các nguồn năng lượng mới, năng lượng tái tạo bao gồm: năng lượng ĐMT mái nhà, năng lượng điện từ chất thải rắn (năng lượng sinh khối) và năng lượng điện gió, nhằm đảm bảo mục tiêu tỷ lệ các nguồn năng lượng tái tạo so với công suất cực đại của hệ thống điện đạt tối thiểu 15%.
Theo ông Phạm Bình An, TP Hồ Chí Minh đang triển khai Đề án Đô thị thông minh, trong đó năng lượng tái tạo và tiết kiệm năng lượng là một phần quan trọng. Thành phố đã triển khai nhiều dự án liên quan đến năng lượng tái tạo như hệ thống đèn đường LED tiết kiệm năng lượng, ĐMT trên các tòa nhà công cộng và các công trình tiết kiệm năng lượng. Bên cạnh các tiềm năng tự nhiên nhằm phát triển năng lượng tái tạo và tiềm lực xã hội trên địa bàn thành phố, thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng - tăng dần việc cung cấp năng lượng xanh và tiến đến thay thế các nguồn năng lượng dựa vào hóa thạch dựa trên điều kiện và tiềm năng của địa phương.
Theo: Công an Nhân dân

Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện