Thursday, 26/12/2024 | 20:22 GMT+7

Đức hướng tới hiệu quả năng lượng để chống lại biến đổi khí hậu

28/09/2023

Nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu cấp bách và giảm sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch nhập khẩu, Hạ viện Đức gần đây đã thông qua dự thảo Luật Hiệu quả năng lượng mang tính bước ngoặt.

Văn bản này đánh dấu bước đi quan trọng hướng tới việc bắt buộc bảo tồn năng lượng trong tất cả các lĩnh vực kinh tế. Nó nhằm mục đích đạt được mức giảm tiêu thụ năng lượng 26,5% vào năm 2030 so với mức năm 2008. Mặc dù điều này thể hiện tiến bộ đáng khen ngợi trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, song nó cũng đặt ra câu hỏi về tính hiệu quả và liệu có phù hợp với các quy định của Liên minh châu Âu (EU) hay không.
Nguồn: www.bundesregierung.de
Cách tiếp cận toàn diện
Luật Hiệu quả năng lượng, bao gồm nhiều quy định về tiết kiệm năng lượng trong các tòa nhà công cộng, các ngành công nghiệp và các trung tâm dữ liệu đang phát triển nhanh chóng trên khắp nước Đức. Mục tiêu bao trùm của nó là giảm đáng kể mức tiêu thụ năng lượng và hạn chế lượng khí thải carbon. Nếu được thực hiện đầy đủ, luật mới sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc giúp Đức đạt được mục tiêu khí hậu năm 2030 là cắt giảm 65% lượng khí thải CO2 so với mức năm 1990.
Chính phủ Đức đã thực hiện nhiều bước để giải quyết những lo ngại về bảo tồn năng lượng, đặc biệt trong bối cảnh lo ngại nguồn cung cấp khí đốt của Nga liên tục thấp. Năm ngoái, một số biện pháp tiết kiệm năng lượng ban đầu đã được đưa ra, bao gồm việc cấm sưởi ấm các bể bơi, hồ tắm tư nhân và khuyến khích sắp xếp công việc từ xa để giảm mức tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, giới hạn nhiệt độ trên 66 độ F trong các tòa nhà văn phòng và cấm sưởi ấm ở một số khu vực công cộng. Việc rửa tay bằng nước nóng trong phòng vệ sinh cũng không được phép hay việc chiếu sáng tượng đài và biển quảng cáo hầu như bị cấm. Tuy nhiên, các động thái này được coi là chưa đủ để đáp ứng các mục tiêu khí hậu cấp bách.
Còn nhiều thách thức và hoài nghi
Bất chấp việc Luật Hiệu quả năng lượng được thông qua, vẫn còn một số nghi ngờ về tính hiệu quả của nó. Mặc dù luật quy định các công ty phải xây dựng kế hoạch tiết kiệm năng lượng, nhưng lại không thực thi các biện pháp mang tính ràng buộc. Các nhà phê bình cho rằng việc thiếu thực thi này có thể hạn chế tác động của luật. Sáng kiến Hiệu quả năng lượng Đức, một mạng lưới các công ty ủng hộ các chính sách tiết kiệm năng lượng đầy tham vọng, bày tỏ sự hoài nghi về việc liệu đạo luật mới có phù hợp với các quy định của EU, cũng như nó có đủ để đạt được các mục tiêu về khí hậu năm 2030 của Đức hay không.
Điều đáng chú ý là Đức đã không đạt được mục tiêu năm 2020 là giảm 20% mức tiêu thụ năng lượng so với mức năm 2008. Theo Cơ quan Môi trường Liên bang, mức tiêu thụ năng lượng của nước này vào năm 2022 ở mức thấp nhất kể từ năm 1990, cho thấy một số tiến bộ nhưng chưa đủ để đáp ứng các mục tiêu đầy tham vọng về khí hậu. Hơn nữa, vào tháng 3, EU đã đạt được thỏa thuận giảm mức tiêu thụ năng lượng cuối cùng trên toàn khối xuống 11,7% vào năm 2030, so với dự báo tiêu thụ năng lượng được đưa ra vào năm 2020. Cam kết này gây thêm áp lực buộc Đức phải có hành động quyết đoán.
Ảnh hưởng của hành lang công nghiệp
Thực tế, Luật Hiệu quả năng lượng vừa được thông qua đã phải sửa đổi nhiều so với dự thảo ban đầu từ tháng 4. Đáng chú ý nhất là các mục tiêu dành cho các công ty công nghiệp và tiêu dùng sau năm 2030 đã bị loại bỏ khỏi luật. Quyết định này được đưa ra nhằm đáp lại áp lực từ các nhà vận động hành lang công nghiệp, vốn cho rằng luật này thiếu động lực tích cực cho việc bảo tồn năng lượng, có thể dẫn đến sự không chắc chắn về mặt pháp lý đồng thời kìm hãm tăng trưởng kinh tế.
Bất chấp những thách thức này, Berlin vẫn cam kết thúc đẩy hiệu quả sử dụng năng lượng và công nghệ xanh hơn. Các biện pháp khuyến khích phát triển hệ thống sưởi ấm hiệu quả hơn và thân thiện với môi trường hơn gần đây đã được Quốc hội phê duyệt, cho thấy cách tiếp cận nhiều mặt để giải quyết vấn đề tiêu thụ năng lượng. Ngoài ra, kỳ vọng về việc tăng giá carbon có thể khuyến khích hơn nữa các công ty và cá nhân đầu tư vào các hoạt động và công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Đầu tuần này, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck cho biết các nguồn năng lượng tái tạo dự kiến ​​sẽ tạo ra hơn 50% lượng điện của cả nước trong năm nay. Đức đặt mục tiêu con số này đạt 80% vào năm 2030.
Theo: Đại biểu nhân dân