Saturday, 23/11/2024 | 10:54 GMT+7

Một số giải pháp tiết kiệm điện.

30/03/2007

Các giải pháp tiết kiệm điện có tính chiến lược lâu dài, chứ không phải là giải pháp tình thế trong giai đoạn thiếu điện hiện nay. Một số nước phát triển, bây giờ họ đặt chương trình hàng năm không tăng sản lượng điện sử dụng mà một số khu vực đã giảm sản luợng điện tiêu dùng, mặc dù ở đó các chỉ tiêu về chất lượng đời sống con người đều tăng.

Xin nêu ra đây một số giải pháp mà chưa thấy hoặc ít thấy được đề xuất:

1) Trong  khâu thiết kế:

- Thiết kế chiếu sáng các trạm điện ngoài trời lớn chưa hợp lý, đèn chiếu sáng có công suất rất lớn và đặt trên đỉnh các cột rất cao, tại phần không gian không có thiết bị trạm và không cần chiếu sáng vào ban đêm, có thể giảm độ cao treo đèn đồng thời với việc giảm công suất chiếu sáng.

- Nên chấm dứt phát triển mới lưới điện hạ thế một pha hai dây mà phát triền lưới điện một pha ba giây (cuộn thứ cấp hạ thế của máy biến áp có đầu trung tính ở giữa cuộn dây, hai đầu cực cuộn dây có điện áp định mức nhưng ngược cực tính với nhau), sẽ giảm đáng kể tổn thất điện ở dây trung tính. Nơi nào có điều kiện thì cải tạo lưới một pha hai dây thành lưới một pha ba dây. Để phối hợp, các nhà máy chế tạo biến thế cũng thiết kế và chế tạo máy biến thế kiểu này.

-Thiết kế chiếu sáng giao thông ở các đường giao thông ven đô hiện nay còn có mật độ cột đèn chiếu sáng dày đặc so với một số quốc gia khác. Chúng tôi thấy nhiều nước, kể cả các nước đã phát triển, mật độ cột chiếu sáng thưa hơn, đồng thời họ chỉ chiếu sáng vài trăm mét khỏi khu vực dân cư, chứ không chiếu sáng quá dài ở chỗ đồng không mông quạnh như chúng ta.

-Không nên dùng máy điều hoà trong các buồng phân phối hợp bộ trong nhà, mà thay thế bằng các máy hút ẩm, vì mục tiêu của chúng ta là chống ẩm để tránh phóng điện trong tủ, chứ không phải là làm mát. Với cùng chỉ tiêu hút ẩm, máy hút ẩm có công suất tiêu thụ điện nhỏ dưới một nửa công suất máy điều hoà có tính năng hút ẩm tương đương.

-Khi xây dựng trạm phân phối điện mới cho khu vực nông thôn, từ nay không được chọn dung lượng dự phòng quá lớn. Theo tiêu chuẩn trong “Qui định kỹ thuật điện nông thôn QĐKT.ĐNT-2006” của Bộ Công Nghiệp đã có hiệu lực từ 12/2006 thì “ các trạm phân phối điện nông thôn khi đóng điện mang tải ban đầu, máy biến áp phải đạt từ 30% dung lượng danh định của máy biến áp trở lên để tránh tổn thất không tải máy biến áp bị quá lớn. Còn khi phụ tải phát triển làm máy biến thế bị quá tải, thì lúc đó sẽ thay thế máy biến áp và các thiết bị phân phối khác có dung lượng và trị số danh định lớn hơn cho phù hợp.

- Ở các khu vực  có xác suất xảy ra bão lớn rất nhỏ, các nhà ở và nhà văn phòng nên thiết kế có cửa ra vào và cửa sổ lớn bằng kính để tận dụng ánh sáng trời, tránh thắp đèn chiếu sáng vào ban ngày.

Các cửa sổ nóc trên trần cầu thang cũng nên có diện tích đủ lớn và thay việc dùng khung sắt lợp kính phẳng bằng giải pháp lát kính hộp trong suốt (còn gọi là gạch thuỷ tinh, trên thị trường nước ta đã có bán) kết hợp với lưới bê tông cốt thép, vừa an toàn, kiên cố, không sợ kính vỡ rơi vào cầu thang, chống trộm tốt, vừa lấy được nhiều ánh sáng trời vào nhà.,

-Các phòng trong nhà ở, bên cạnh trang bị bóng đèn nê ông gầy (tiết kiệm điện hơn bóng nê ông thường có cùng độ sáng), nên trang bị thêm đèn com pắc có công suất thích hợp, để khi không cần có độ chiếu sáng cao như đọc sánh báo, khâu vá... thì chỉ cần bật bóng com pắc để tiết kiệm điện.

-Tất cả các bóng đèn sợi đốt trong bộ đèn chùm phòng khách được thay thế bằng bóng com pắc.

-Những nơi có số ngày nắng trong năm đủ lớn, nên lắp song song với bình nước nóng chạy điện một bộ bẫy nhiệt từ ánh sáng mặt trời. Loai bẫy nhiệt mới có bình tích nhiệt đã được bảo ôn, có thể giữ được nước nóng trên 50 độ đến hết ngày hôm sau, ngay cả khi ngày hôm sau không có nắng. Như vậy ta chỉ bật bình nước nóng chạy điện khi không còn tận dụng được bẫy nhiệt từ nắng.

-Đường ống gang dẫn nước nóng từ bình nước nóng chạy điện hoặc từ bẫy nhiệt lấy nguồn nắng phải được bảo ôn đến tận vòi nước để tránh tổn thất nhiệt trên đường ống. Tốt nhất là dùng ống mút bảo ôn của đường gió lạnh trong hệ thống điều hoà hai cục, đang bán rất sẵn trên thị trường.

-Nếu chỉ có yêu cầu làm mát đủ để ngủ ngon vào những đêm hè quá nóng ( nhiệt độ ban đêm lên trên 30 độ), thì có thể giảm một cấp dung lượng BTU của điều hoà so với tiêu chuẩn thông thường, ví dụ buồng có diện tích tới 20m2, cũng chỉ cần lắp điều hoà 9.000BTU (theo tiêu chuẩn thì phải lắp điều hoà 12.000BTU cho buồng 20m2, mà công suất tiêu thụ điện của điều hòa 12.000BTU là  khoảng gấp rưỡi điều hoà 9.000BTU), với điều kiện bố trí luồng gió lạnh thổi trực tiếp vào chỗ nằm ở khoảng cách tới điều hoà khoảng 3m

-Không bố trí cục nóng của điều hoà 2 cục tại chỗ thường xuyên phơi nắng, nếu có điều kiện nên bố trí cục nóng ở chỗ ít hoặc không có nắng và thoáng gió. Đường gió từ cục nóng đến cục lạnh càng gần càng tốt, đường này cũng phải cách xa nguồn nóng như xa bếp đun, ống khói...

- Tủ lạnh thường được đặt trong bếp, nhưng cần phải để ở chỗ thoáng gió và cách xa bếp đun. Không bao giờ được bố trí tủ lạnh và điều hoà ở cạnh nhau.

-Nên chọn mua loại tủ lạnh có hai buồng trở lên, trong đó buồng đá có dung tích nhỏ, để khi lấy thực phẩm không phải mở ngăn đá, đỡ mất lạnh.

2) Về vận hành, cần có các lưu ý:

-Các trạm  điện có từ 2 máy biến áp trở lên vận hành song song, phải xây dựng đường đặc tuyến xác định chế độ vận hành kinh tế (với phụ tải nào thì chỉ cần vận hành 1 máy biến áp, phụ tải nào thì bắt đầu cho vận hành song song 2 máy).

-Chỉ cho chạy máy hút ẩm trong buồng phân phối điện khi độ ẩm tương đối của môi trường trên 70%.

-Chỉ bật đèn nê ông có độ sáng cao trong buồng khi có nhu cầu bắt buộc (như đọc sách, khâu vá...) còn bình thường chỉ nên bật đèn com pắc.

-Đã có nhiều ý kiến cho là điều hoà nên điều chỉnh ở chế độ duy trì 26 độ, nhưng người viết bài này lại có ý kiến hơi khác: Ở chế độ điều hoà duy trì 26 độ, một số người chịu lạnh kém đã phải đắp chân mỏng. Tốt nhất trong trường hợp này, hợp lý hơn là ta để điều hoà duy trì ở chế độ 27 độ, ta vẫn ngủ ngon, không phải đắp chăn mỏng và tiết kiệm điện hơn. Một số máy điều hoà loại mới, bên cạnh cài đặt nhiệt độ yêu cầu, còn có chế độ vận hành kinh tế ( trên điều khiển xa hiển thị chữ ECOM).

Cũng với chế độ duy trì nhiệt độ là 26 hoặc 27 độ, cũng nên quan tâm đến chế độ chạy quạt của điều hoà, có người thích hợp với chế độ quạt mạnh (STRONG), cũng có người không thích chế độ ấy, vì tiếng quạt ồn làm khó ngủ, mà thích để ở chế độ quạt nhẹ (LIGHT), vừa êm, vừa đỡ tốn điện.

-Chỉ bật điều hoà khi nhiệt độ trong buồng lên trên 28độ -30độ (tuỳ theo sự chịu nóng của từng người). Còn trong buồng khi còn dưới nhiệt độ đó, chưa cần bật điều hoà, mà chỉ cần chạy quạt điện là đủ, đỡ tốn điện hơn.

-Định kỳ nên súc rửa cặn vôi của bình nóng lạnh (thường từ 1 đến 2 năm làm 1 lần) và thổi bụi cho cục nóng và cục lạnh của điều hoà (cục nóng cần làm hơn, vì nó để ở ngoài trời trong môi trường nhiều bụi bẩn hơn. Như thế thì bình nóng lạnh và điều hoà sẽ có hiệu suất cao hơn, sẽ tiết kiệm điện.

-Định kỳ nên lau bụi bên ngoài các bóng đèn để đèn sáng hơn.

3) Về chế độ giá điện sinh hoạt:

Nên có chế độ giá điện sinh hoạt đủ thấp vào giờ thấp điểm đêm kết hợp với việc lắp công tơ điện 2 giá cho hộ tiêu thụ điện sinh hoạt (bước đầu có thể là tự giác khách hàng chủ động yêu cầu lắp) như thế khuyến khích một số gia đình sẽ bật bình nóng lạnh vào đêm khuya, khi đủ nhiệt độ yêu cầu thì bình tự cắt điện (thường sau 20 phút đến nửa tiếng) hoặc khuyến khích việc nạp điện vào ắc qui lưu động vào giờ thấp điểm để dùng thắp sáng hoặc quạt mát vào giờ cao điểm tối hôm sau. Hiện nay trên thị trường đã có các loại đèn kèm quạt chạy ắc qui nạp điện. Mỗi lần nạp đầy, quạt có thể chạy được 3-4 giờ, còn đèn có thể thắp được trên 6 giờ. Giá các loại thiết bị này chênh lệch không đáng kể so với loại quạt điện và đèn bàn thông thường.

Trịnh Kim Hùng