Tuesday, 19/11/2024 | 07:29 GMT+7

Người Tây Nguyên; Học tiết kiệm điện từ khi... có điện

19/07/2010

Trái với một số đại gia thành phố dùng điện theo kiểu “ta sẵn tiền thì ta cứ xài”, một tháng có nhà hết cả chục triệu tiền điện, nhiều người dân ở buôn làng Tây Nguyên có khi tiền điện một tháng chỉ hết 15.000 - 20.000 đồng

Nhiều buôn làng Tây Nguyên đến mùa hè năm nay mới bừng lên ánh điện. Nhưng ngay từ khi thấy ánh sáng dòng điện quốc gia về với buôn làng, bà con đã học cách... tiết kiệm điện.

Trái với một số đại gia thành phố dùng điện theo kiểu “ta sẵn tiền thì ta cứ xài”, một tháng có nhà hết cả chục triệu tiền điện, nhiều người dân ở buôn làng Tây Nguyên có khi tiền điện một tháng chỉ hết 15.000 - 20.000 đồng. Một vài hộ gia đình nhìn khắp trong ngoài chỉ có 2 bóng đèn compact, không quạt, không tivi, không nồi cơm điện.

 

Chị Hoàng Thị Ngậm, dân tộc Tày, quê Lạng Sơn, vào sống tại xóm 3 thôn Tân Lập, xã Đăk Ghềnh, Đăk Mil, Đăk Nông, chỉ vào 2 chiếc bóng điện: “Khi lên nhà thì tôi tắt cái dưới bếp, khi xuống bếp thì tắt cái trên nhà, tám giờ rưỡi tối cả nhà tôi đi ngủ để tắt cả hai bóng, tiết kiệm điện. Cán bộ bảo phải tiết kiệm điện vì cả nước đang thiếu điện nhưng mình thấy tiết kiệm chính là để dành tiền đong gạo”, chị Ngậm thật thà giải thích.


 T10a.jpg


Anh Giàng Seo Hùng (giữa): “Mình muốn mua tivi nhưng  chỉ dám dùng 2 tiếng một ngày cho đỡ tốn tiền điện”


Gia đình chị mới được kéo điện vào nhà nhờ chương trình cấp điện cho các thôn buôn Tây Nguyên. Các gia đình được EVN lắp đặt đường dây miễn phí, tặng miễn phí hai bóng đèn compact, một bảng điện.

 

Sau hơn 2 năm triển khai, dự án đã cấp điện cho hơn 1.300 thôn, buôn (gồm hơn 74.000 hộ dân) chưa có điện lưới thuộc 5 tỉnh (Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng, Gia Lai, Kon Tum), đến nay 93% các hộ dân Tây Nguyên đã có điện lưới quốc gia. Anh Phan Văn Việt, Phó trưởng Chi nhánh điện Đăk Mil nói: “Ngay từ khi đưa điện vào từng gia đình, chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền, tạo thói quen tiết kiệm điện cho bà con.

 

Nhờ vậy, dù mới có điện nhưng cả người nghèo lẫn nhà khá giả đều không hoang phí, không có tâm lý “xài cho bõ”. Đa số bà con biết bảo nhau học cách  chọn mua thiết bị đỡ tốn điện, biết dùng thiết bị điện đúng lúc, đúng cách. Bà con đã và sẽ hình thành văn hóa tiết kiệm ngay từ ngày đầu dùng điện”.

 

Tại thôn 11, xã Cư Sang, M’Đrắk, Đăk Lắk, anh Giàng Seo Hùng, người Mông từ Hà  Giang vào lập nghiệp trên đất Tây Nguyên đã hơn 7 năm, đang mân mê chiếc đèn học anh vừa mua cho con gái học lớp 5 tên Giàng Thị Chư.

 

Anh Hùng hồ hởi: “Từ khi sinh ra lớn lên ở Hà Giang, mình chưa được biết đến điện đóm, giờ con mình đã được học bài dưới ánh điện, không phải dùng đèn dầu nữa”. Nói rồi anh Hùng chỉ vào bóng đèn compact: “Cán bộ ngành điện bảo mua bóng đèn này cho đỡ nóng, đỡ tốn điện nên mình vừa lên chợ huyện mua cho con gái một cái đèn học đấy”. Em Giàng Thị Chư ngồi bên bố lật trang vở, ghi vào tờ giấy trắng, nét chữ nắn nót: “Hôm nay, bản em có điện”.

 

Theo Báo Tuổi Trẻ