Tuesday, 19/11/2024 | 05:14 GMT+7
Đức hiện đang dẫn đầu thế giới về mức sử dụng nguồn năng lượng tái tạo và có thể trở thành quốc gia đầu tiên của G20 từ bỏ các nguồn nhiên liệu từ dầu mỏ.
Cục Môi trường Liên bang Đức vừa tuyên bố rằng nước này có thể sản xuất được hoàn toàn lượng điện năng cần thiết từ những nguồn năng lượng tái tạo vào năm 2050 và trở thành quốc gia công nghiệp lớn đầu tiên trên thế giới từ bỏ thói quen dùng nhiên liệu từ dầu mỏ.
Hiện tại Đức thu được 16% tổng điện năng từ gió, mặt trời và các nguồn năng luợng có thể tái tạo khác, cao hơn gấp ba lần so với cách đây 15 năm. “Việc chuyển đổi hoàn toàn sang dạng năng lượng tái tạo vào năm 2050 là khả thi nhờ vào các thành tựu kĩ thuật và sinh thái học” và “đây là một mục tiêu rất thực tế có căn cứ vào những công nghệ sẵn có, nó không phải là một chiếc bánh trên trời!”, chủ tịch Cục Môi trường Liên bang Jochen Flasbarth khẳng định một cách dí dỏm.
Một trong những “trang trại gió” lớn nhất
châu Âu tại
Đức đang là nước dẫn đầu thế giới về sản xuất quang điện, dự kiến nước này sẽ tăng cường khai thác thêm hơn 5.000 MW để đạt tổng số 14.000 MW trong năm nay. Đức cũng đang là nuớc khai thác năng lượng từ gió lớn thứ hai thế giới (chỉ sau Hoa kỳ). Nhờ vậy, đã có 300 ngàn việc làm liên quan đến lĩnh vực năng lượng tái tạo tại Đức trong thập niên qua.
Ông Jochen Flasbarth cho biết chính phủ Đức đã đặt mục tiêu cắt giảm 40% lượng phát thải khí nhà kính từ năm 1990 đến 2010 và từ 80-85% vào năm 2050. Mục tiêu này có thể đạt được nếu Đức chuyển hoàn toàn sang khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng có thể tái tạo sau 40 năm nữa. Hiện tại, khoảng 40% lượng khí nhà kính của Đức là từ ngành điện, đặc biệt là những nhà máy điện dùng than.
Nghiên cứu của Cục Môi trường Liên bang cho thấy việc chuyển đổi hoàn toàn sang dạng năng lượng xanh vào năm 2050 sẽ mang lại nhiều lợi ích về kinh tế (đặc biệt là cho các ngành mũi nhọn như xuất khẩu) và tạo ra thêm nhiều việc làm mới. “Chi phí cho sự chuyển đổi sang sử dụng hoàn toàn năng lượng tái tạo ít hơn nhiều so với chi phí cho các thế hệ tương lai giải quyết hậu quả của biến đổi khí hậu”, Flasbarth tuyên bố.
Tháng trước, một báo cáo của Trung tâm công nghệ thay thế của Anh ở Machynlleth (xứ Wales) cũng cho hay nước này có thể chấm dứt tình trạng phát thải Carbon vào năm 2030 bằng những cải tiến trong công nghệ năng lượng.
Duy Kỳ Anh (Theo Guardian)