Saturday, 27/04/2024 | 17:42 GMT+7

Ấn Độ kêu gọi đầu tư cho phát triển năng lượng hạt nhân

27/02/2024

Ấn Độ sẽ mời các công ty tư nhân đầu tư khoảng 26 tỷ USD vào lĩnh vực năng lượng hạt nhân để tăng lượng điện từ các nguồn không phát thải CO2.

Khoản đầu tư trên sẽ giúp Ấn Độ đạt được mục tiêu có 50% công suất phát điện dùng nhiên liệu phi hóa thạch vào năm 2030, tăng từ mức 42% hiện nay. Chính phủ Ấn Độ đang đàm phán với ít nhất 5 công ty tư nhân bao gồm Reliance Industries, Tata Power, Adani Power và Vedanta để đầu tư khoảng 440 tỷ rupee (5,3 tỷ USD) mỗi công ty. 
Ảnh minh hoạ
Trong năm qua, Bộ Năng lượng nguyên tử liên bang và Tập đoàn Điện hạt nhân Ấn Độ (NPCIL) đã tổ chức nhiều vòng trao đổi với các công ty tư nhân về kế hoạch đầu tư. Chính phủ Ấn Độ hy vọng sẽ có công suất phát điện hạt nhân mới là 11.000 megawatt vào năm 2040.
Hiện tại, NPCIL sở hữu và vận hành các nhà máy điện hạt nhân của Ấn Độ với công suất 7.500 megawatt và đã cam kết đầu tư thêm 1.300 megawatt nữa. Theo kế hoạch các công ty tư nhân sẽ đầu tư vào các nhà máy hạt nhân, mua đất, nước và xây dựng ở các khu vực bên ngoài tổ hợp lò phản ứng hạt nhân của các nhà máy. 
Tuy nhiên, quyền xây dựng, vận hành cũng như quản lý nhiên liệu của các cơ sở vẫn thuộc về NPCIL. Các công ty tư nhân dự kiến kiếm doanh thu từ việc bán điện của nhà máy và NPCIL sẽ vận hành các dự án có tính phí. Luật pháp Ấn Độ cấm các công ty tư nhân xây dựng nhà máy điện hạt nhân nhưng cho phép những đơn vị này cung cấp linh kiện, thiết bị và ký hợp đồng xây dựng để thực hiện những công việc bên ngoài các lò phản ứng. 
Theo: TN&MT
Chỉ thị 20 Cẩm nang tiết kiệm điện