Friday, 08/11/2024 | 02:28 GMT+7
Điều chỉnh nhiệt độ phù hợp
Chú ý số lượng thức ăn trong tủ để điều chỉnh nhiệt độ vừa phải sẽ giúp sử dụng điện hiệu quả hơn. Ví dụ nếu đi chợ cho 2-3 ngày và lượng thức ăn nhiều, hãy hạ mức nhiệt xuống (hoặc tăng mức độ làm lạnh trong tủ). Khi lượng thức ăn vơi dần, hãy tăng mức nhiệt lên.
Lý tưởng là mức độ dao động nhiệt từ 7-8 độ cho buồng giữ lạnh là phù hợp với nhu cầu sử dụng của người tiêu dùng. Đối với ngăn đông, điều chỉnh nhiệt độ ở mức -18ºC đến -22º là vừa đủ.
Hạn chế đóng mở cửa tủ
Khí lạnh sẽ thoát hơi khi cửa tủ mở và tủ lạnh phải tốn nhiều điện hơn để làm lạnh lại từ đầu. Vậy nên người dùng không nên mở tủ lạnh quá lâu và nhớ đóng tủ thật sát, tránh để cửa tủ hở khiến máy gặp khí nóng bên ngoài, phải làm lạnh liên tục nhiều lần.
Tránh để đồ ăn dựa sát thành tủ
Việc để thực phẩm sát thành tủ là một sai lầm phổ biến của các hộ gia đình. Tiếp xúc với phía trong cùng của tủ vô hình chung khiến rau củ hỏng đồng thời cũng khiến tủ lạnh làm việc kém hiệu quả, dẫn đến tốn điện hơn. Hãy để thực phẩm của bạn cách phía trong tủ một khoảng nhất định, đừng quá nhồi nhét nhiều đồ khiến tủ chật kín, ép rau củ vào sát thành tủ.
Đừng nhồi nhét quá nhiều thức ăn vào tủ
Nên sắp xếp, tính toán một cách hợp lý lượng thực phẩm chứa trong tủ lạnh. Chừa cho tủ một số khoảng trống để khí lạnh đối lưu nhằm giúp lượng điện máy tiêu thụ giảm xuống. Không nên để thực phẩm bít kín “họng” thổi hơi lạnh ra hoặc ken kín các ngăn trong tủ. Các loại thịt, cá tươi sống... nên cho vào các hộp bằng thép hoặc inox thay thế cho hộp nhựa, bởi tính dẫn lạnh của kim loại nhanh hơn, thời gian làm lạnh rút ngắn, ít hao điện.
Thanh Thanh t/h