Saturday, 23/11/2024 | 04:00 GMT+7

Hà Giang: Thí điểm cấp điện bằng ắc quy thành công hơn mong đợi

30/12/2013

Chương trình thí điểm cấp điện bằng ắc quy cho các hộ dân sống phân tán đã được Công ty Điện lực Hà Giang và Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời BK đã chuyển giao toàn bộ thiết bị, lắp đặt, vận hành cho bà con.

Chương trình thí điểm cấp điện bằng ắc quy cho các hộ dân sống phân tán đã được Công ty Điện lực Hà Giang (trực thuộc Tổng công ty Điện lực miền Bắc) và Công ty CP Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời BK đã chuyển giao toàn bộ thiết bị, lắp đặt, vận hành cho bà con.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Công Thương tại Công văn số 576/TCNL-KHCN ngày 1/8/2012 về việc triển khai thí điểm cấp điện chiếu sáng bằng nguồn ắc qui cho các hộ dân sống phân tán trên địa bàn tỉnh Hà Giang, ngày 28/12/2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã tiến hành lắp đặt, vận hành, tổ chức bàn giao thiết bị cho bà con nhân dân xóm Nậm Thuổm, thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên sử dụng theo đúng mục tiêu và tiêu chí lựa chọn. Sau hơn 6 tháng triển khai thực hiện, Chương trình đã thực hiện thành công hơn mong đợi cả về hiệu quả đầu tư và kỹ thuật; đồng thời phù hợp với các tính toán, thiết kế ban đầu.

0839bba72_tai_xuong_37.jpg

Theo chương trình, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Công ty Điện lực Hà Giang được giao thí điểm thực hiện cấp điện bằng ắc quy cho 50 hộ dân xóm Nậm Thuổm, thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên. Các hộ này hiện đang sống phân tán, cách nguồn điện lưới quốc gia từ 7 đến 12 km, khó có khả năng sử dụng điện lưới quốc gia và chưa được sử dụng các nguồn năng lượng điện quốc gia và các dạng năng lượng khác như điện gió, thủy điện nhỏ. Tham gia chương trình, mỗi hộ dân được cấp miễn phí 1 bình ắc quy, 2 bóng đèn chiếu sáng LED tiết kiệm điện và 1 bộ điều khiển, bảo vệ và một số vật tư, phụ kiện khác. Ngoài ra, tại 2 trạm nạp ắc quy trên địa bàn xã, Công ty Điện lực Hà Giang luôn bố trí sẵn 25 bình ắc quy đã đầy nhiên liệu để các hộ dân đến đổi không phải chờ đợi. Chi phí mỗi lần đổi bình trung bình 5.000 VNĐ/bình. Theo thiết kế, mỗi bình ắc quy dùng để chiếu sáng, nghe đài được từ 7 - 15 ngày mới phải nạp lại, tuy nhiên do nhu cầu người dân sử dụng điện còn thấp nên trung bình mỗi hộ nạp 1 lần/tháng.

Qua hơn 6 tháng theo dõi, có thể thấy, hiệu quả đầu tư rất rõ ràng: Với mức đầu tư 499.290.000 VNĐ, tương dương khoảng 10 triệu VNĐ/hộ để có điện chiếu sáng, nghe đài đã đáp ứng được một phần của mục tiêu của chương trình điện nông thôn trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đầu tư điện lưới có suất đầu tư từ 60 triệu đến 100 triệu VNĐ/hộ. Về kỹ thuật, bộ nạp, bình ắc quy, bộ điều khiển, bóng đèn và các vật tư khác cấp cho các hộ gia đình đảm bảo các điều kiện theo tiêu chuẩn: như khả năng phục hồi của bình khi ngưỡng dự trữ sử dụng bình dưới mức cho phép; độ bền của bóng đèn LED...

Đến đây có thể khẳng định rằng, dự án cấp điện thí điểm bằng bình ắc quy cho các hộ dân sống phân tán ở xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên đã thành công. Tuy nhiên, do trình độ còn hạn chế nên một số hộ dân sử dụng thiết bị không theo hướng dẫn, vì vậy cần có biện pháp tuyên truyền, hướng dẫn thêm cho các hộ dân nắm vững cách sử dụng để đảm bảo sử dụng đúng mục đích, nâng cao hiệu quả của Dự án và đảm bảo tuổi thọ chất lượng của thiết bị. Đơn vị cung cấp thiết bị cũng cần nghiên cứu, cải tiến thêm các thiết bị phát cho dân, đảm bảo thuận tiện, gọn nhẹ, an toàn và tăng tuổi thọ của thiết bị. Dự án không những mang lại nguồn điện thắp sáng phục vụ sinh hoạt và học tập cho con em đồng bào miền núi mà còn phục vụ các nhu cầu khác như nghe đài, cập nhật tin tức... Qua đó, từng bước góp phần rút ngắn khoảng cách giữa vùng núi, vùng sâu vùng xa với khu vực trung tâm xã, tạo điều kiện để nhân dân khu vực còn khó khăn, sống phân tán, xa trung tâm được tiếp cận với nguồn thông tin chính thống của Đảng và Nhà nước qua việc nghe đài, đọc báo bằng nguồn ánh sáng điện năng.

Đề xuất 4 điểm của Tổng cục Năng lượng (Bộ Công Thương)

1. Cho phép nhân rộng mô hình đến một số địa bàn khác có điều kiện địa hình, điều kiện kinh tế - xã hội tương tự như thôn Lùng Trang, xã Linh Hồ, huyện Vị Xuyên, tỉnh Hà Giang.

2. Nguồn vốn: Từ Chương trình mục tiêu quốc gia về Tiết kiệm năng lượng, từ EVN, nguồn vốn trong Đề án điện nông thôn đến năm 2020 khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và các nguồn vốn huy động khác (nếu có).

3. Để nâng cao hiệu quả, đề nghị EVN chỉ đạo tư vấn nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật để tối ưu hóa hiệu quả của Dự án. Trong đó quan tâm xem xét phương án bố trí một số trạm sạc dùng năng lượng mặt trời đặt tại địa phương, hoặc bổ sung lắp các tấm pin mặt trời để sạc lại ắc quy tại chỗ cho cụm dân cư hoặc từng hộ dân tùy thuộc vào điều kiện thực tế tại địa phương.

4. Trong quá trình thực hiện, song song với việc cung cấp thiết bị cho người dân, cần có giải pháp hỗ trợ nâng cao năng lực, nhận thức của người dân trong quá trình sử dụng.



















Lệ Hằng