Friday, 15/11/2024 | 16:24 GMT+7
Chính quyền nhiều thành phố tại Cộng hoà Macedonia khẳng định hiệu quả năng lượng là giải pháp quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước đang tăng trưởng chậm do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu hiện nay.
Ông Mitko Vlahov, một quan chức thị trấn Bogdanci, cho biết: “Chúng tôi biết rằng những thay đổi trong hiệu quả năng lượng sẽ đem lại những khoản tiết kiệm lớn cho nền kinh tế đất nước trong dài hạn. Đồng thời cũng đem lại tác động tích cực tới môi trường, nhưng đây là một vấn đề đầy khó khăn, bởi bạn phải hiểu được mình cần làm gì với sự hỗ trợ của những công cụ thích hợp.”
Hiện nay, Macedonia vẫn đang phụ thuọc nặng nề vào nguồn năng lượng nhập khẩu. Chi phí năng lượng chiếm đến 10% ngân sách các địa phương. Trong khi đó, các toà nhà cũ kĩ là nguyên nhân gây ra đến 70% lượng phát thải khí các-bon. Trong khi đó, nền kinh tế kém phát triển khiến việc chuyển đổi sang kỹ thuật và trang thiết bị hiệu quả năng lượng ở Macedonia gặp nhiều hạn chế.
Tuy nhiên, gần đây, công tác năng lượng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Trước hết, sự phân cấp quốc gia đã tạo trách nhiệm pháp lý cho các địa phương về hiệu quả năng lượng. Chính quyền các tỉnh, thành phố đã bắt đầu chủ động hơn trong việc tìm kiếm và ứng dụng các công nghệ và thiết bị hiệu quả năng lượng.
Hơn thế, với sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật và tài chính từ Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP), các thành phố tại Macedonia đang thực hiện việc kết nối với nhau, tổng hợp nguồn lực để cung cấp các dịch vụ điện nước mới trong các đô thị, với mục tiêu giảm thiểu chi phí và nâng cao chất lượng.
Hợp tác liên đô thị là một nỗ lực đáng kể của các tỉnh, thành phố của Macedonia, nhằm đạt được một mô hình chung, một cách tiếp cận có tính thống nhất trong hoạt động hiệu quả năng lượng, thay vì tính cục bộ và tự phát như trước đây.
Cụ thể, năm 2011, UNDP bắt đầu làm việc với các cơ quan liên quan trong chính phủ Macedonia và các đối tác địa phương nhằm thử nghiệm một chương trình hợp tác hiệu quả năng lượng giữa 3 thành phố là Gevgelija, Bogdanci và Valandovo, với tổng dân số là 45 nghìn người.
Từ đó đến nay, 3 thành phố này đã đi tiên phong trong việc sử dụng các thiết bị chuyên dụng tiết kiệm năng lượng như: máy ảnh nhiệt, các công cụ để đo nhiệt độ và độ ẩm, thực hiện kiểm toán năng lượng đối với hệ thống công trình xây dựng trong thành phố.
Bogdanci và Valandovo đã sử dụng kết quả kiểm toán đối với các toà nhà công cộng để xây dựng chương trình tiết kiệm năng lượng đầu tiên trong lịch sử cùng một loạt kế hoạch thực hiện hàng năm. Về phần mình, thành phố Gevgelija lại đưa chương trình tiết kiệm năng lượng đã hoạch định từ trước vào Luật Năng lượng, góp phần thể chế hoá công tác hiệu quả năng lượng và tránh những khoản chi tốn kém cho việc thuê công ty tư nhân thực hiện kiểm toán.
Trong khi đó, UNDP ngoài hỗ trợ về mặt tài chính, còn tiến hành chương trình đào tạo cơ bản về quản lý năng lượng hiệu quả và hợp tác liên đô thị. Tổ chức này cũng tập trung vào công tác giúp đỡ các nhà chức trách địa phương xây dựng năng lực lên kết hoạch và quản lý các dự án hiệu quả năng lượng. Một phân tích về chức năng quản lý năng lượng tại địa phương đã được thực hiện.
Ông Risto Ichkov, thị trưởng thành phố Bogdanci khẳng định: "Chúng ta cần phải quan tâm hơn nữa đến vấn đề tiết kiệm năng lượng. Đây là giải pháp duy nhất để giảm thiểu nhu cầu nhập khẩu năng lượng từ nước ngoài. Hơn thế, những khoản tiết kiệm được sẽ được dành cho việc nâng cao chất lượng giáo dục, hệ thống chăm sóc sức khoẻ và phát triển văn hoá cho người dân".
Tính đến nay, đã có 8 trên tổng số 9 thành phố nằm trong khu vực quy hoạch của dự án đã tham gia chương trình hợp tác hiệu quả năng lượng liên đô thị. Họ đã thiết lập được một đơn vị hành chính và một trung tâm thông tin chung.
Các thành phố hy vọng, dự án sẽ giúp ngân sách tiết kiệm được vài trăm ngàn đô la và giảm phát thải 1,3 tấn khí CO2. Bên cạnh đó, người dân địa phương sẽ được hưởng tiện ích công cộng tốt hơn và chính quyền địa phương sẽ nâng cao năng lực ứng phó với tình trạng biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu.
Anh Tuấn (Theo UNDP)