Wednesday, 22/01/2025 | 08:10 GMT+7
Từ sáng sớm, khi trời còn đang nhá nhem thì người dân làng Tây Tựu lại tất bật chăm sóc cho vụ hoa Tết của mình. Từ tưới tắm, đến cắt tỉa, kiểm tra độ xốp của đất và cả chong đèn kích hoa đều được những người nông dân cẩn thận tỉ mỉ từng chút một để kịp cho mùa Tết sắp tới.
Trước sự phát triển nhanh chóng của đô thị hóa, diện tích đất trồng hoa ít đi nhưng nghề trồng hoa vẫn là nguồn thu nhập chính của những người dân nơi đây. Để có hoa phục vụ Tết, ngay từ đầu tháng 10, người dân Tây Tựu đã bước vào mùa hoa Tết.
Đối với người nông dân thì yếu tố thời tiết lại quyết định tất cả, năm nào trời thương thì mùa màng tốt tươi, được giá. Nhưng khi cơn bão số 3 đổ bộ vào miền Bắc nước ta, không ít hộ dân tại làng hoa Tây Tựu đã lâm vào tình cảnh mắt trắng vụ, gây thiệt hại lớn về mặt kinh tế.
Bà Nguyễn Thị Thu, chủ một vườn hoa tại làng Tây Tựu (quận Bắc Từ Liêm) ngậm ngùi chia sẻ: "Sau bão là phải chờ nước rút, rồi chờ đất khô thì mới bắt đầu trồng hoa được. Phải mua lại mầm mới, làm lại từ đầu. Nếu không có bão thì mình đã kịp cho vụ Tết".
Với những hộ dân như nhà bà Thu thì năm nay vườn hoa nhà bà sẽ không thể thu hoạch vào đúng dịp Tết. Tưởng chừng như cung ít cầu nhiều thì giá hoa sẽ cao nhưng những bà con làng Tây Tựu lại phải đối diện với cảnh cạnh tranh với các thị trường hoa khác trong nước, nơi có khí hậu ôn hòa hơn.
Vất vả là thế, nhưng không phải lúc nào hoa cũng được giá, được mùa. Có những thời điểm giá hoa hạ thấp, phải bán rẻ để thu hồi vốn, nhưng cây giống vẫn không đủ để bù lại. Rồi có những khi thời tiết thay đổi bất ngờ, sắp đến mùa thu hoạch mà trời lại mưa dầm, khiến hoa bị hư hỏng. Hoặc có khi trời quá lạnh, hoa không kịp nở hoặc nắng quá gắt khiến hoa nở sớm, tàn nhanh. Đằng sau mỗi bông hoa Tết là rất là nhiều nỗ lực và hy vọng.
Ảnh minh họa.
Theo nhiều người trồng hoa, thời tiết năm nay thay đổi thất thường nên ảnh hưởng đến chất lượng hoa và thời điểm thu hoạch. Họ mong muốn vụ hoa cuối năm nay sẽ kéo lại kinh tế cho cả năm trồng hoa. Để hoa nở vào đúng dịp Tết Nguyên đán, đa phần hoa ở đây sẽ đều được trồng trong nhà lưới hoặc thắp đèn vào buổi tối.
Câu hỏi nhiều người đặt ra là tại sao người dân ở làng hoa Tây Tựu lại phải sử dụng bóng đèn để kích hoa nở? Cái hay của phương pháp này là việc sử dụng ánh sáng để điều chỉnh chu kỳ sinh trưởng của hoa. Hoa giống như các loại cây trồng khác, rất nhạy cảm với ánh sáng. Việc thắp đèn vào những giờ nhất định trong ngày sẽ giúp kéo dài thời gian chiếu sáng, làm hoa nở sớm hoặc muộn theo nhu cầu của người trồng. Ngày xưa, phương pháp này thường được thực hiện bằng cách thắp đèn dầu hoặc bóng điện thông thường. Nhưng hiện nay, phương pháp này đã được cải tiến, sử dụng bóng LED giúp tiết kiệm năng lượng, giảm chi phí và bảo vệ môi trường.
Có thể thấy việc dùng ánh sáng để kích thích hoa nở sẽ giúp hoa nhận biết rằng đã đến mùa sinh trưởng, từ đó thúc đẩy quá trình ra hoa và nở sớm hơn.Và vào thời điểm vừa hết tháng 11 sang tháng 12 này, những người trồng hoa đã áp dụng một kỹ thuật truyền thống kết hợp với công nghệ hiện đại, đó là chong đèn xuyên đêm. Việc làm này sẽ làm cho hoa nở đúng vào dịp Tết Nguyên đán, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Vào ban đêm nhìn từ trên cao xuống, khi hàng vạn bóng đèn được bật sáng, cả làng hoa Tây Tựu như một biển sao lung linh, tạo nên một khung cảnh vô cùng độc đáo và ấn tượng. Về quy trình, mỗi ngày hoa được chiếu sáng từ 16-18 tiếng và người dân thường sử dụng các loại đèn năng lượng thấp, tiết kiệm điện để giảm chi phí.
Khi màn đêm buông xuống, dường như lại là bình minh trên các thửa ruộng ở Tây Tựu. Cứ thế, hàng ngàn ngọn đèn sáng bừng lên giữa màn đêm, tạo thành một khung cảnh lấp lánh, lạ lẫm nhưng cũng đầy sức sống, báo hiệu một mùa xuân tươi mới sắp đến.
Theo hanoionline.vn