Friday, 15/11/2024 | 13:09 GMT+7

Giải pháp tiết kiệm điện cho tủ lạnh

25/08/2006

Dưới đây là các kỹ năng sử dụng tủ lạnh sao cho tiết kiệm điện nhất được ông Nguyễn Thanh Phong, Phó Trưởng phòng Kinh doanh (Công ty Điện lực TPHCM) tư vấn.

Cố gắng tránh không mở tủ lạnh trừ trường hợp thật cần thiết, vì khi mở, tủ lạnh sẽ cần nhiều điện năng hơn để hoạt động. Khi chuẩn bị nấu nướng, nên lấy một lần tất cả những thứ cần cho nấu nướng, không lấy lắt nhắt để giảm hao điện. Nhiệt độ bên trong tủ lạnh nên để ở chế độ từ 3-60C; đối với chế độ đông lạnh thì để ở mức từ (-15)độC đến (-18)độC.

Chú ý kiểm tra gioăng cao su, nếu bị hở thì bộ phận nén khí của tủ lạnh sẽ phải làm việc nhiều; nên đặt tủ lạnh nơi thoáng gió, vì trong môi trường nhiệt độ cao, bí gió sẽ làm chậm quá trình tản nhiệt, điện tiêu hao sẽ lớn. 

Không đặt tủ lạnh gần các vật phát nhiệt (bếp gas, bếp lò...) hay ánh nắng mặt trời chiếu vào để tránh thất thoát năng suất lạnh, hao điện (kết quả đo mức tiêu thụ điện của tủ lạnh ở trong phòng 160C thấp hơn tủ lạnh để trong phòng 250C đến 30%). Nếu tủ không có hệ thống xả đá tự động hãy xả đá thường xuyên, ít nhất mỗi tuần một lần, vì khi có một lớp nước đá hình thành, tủ lạnh sẽ tốn nhiều điện hơn để vận hành.

Riêng đối với thức ăn, phải để nguội thức ăn bên ngoài trước khi cho vào tủ lạnh, nó không làm hỏng thức ăn khác đã lạnh mà lại đỡ hao điện. Không xếp thực phẩm vào các ngăn tủ lạnh quá dày hay quá đầy, mà giữa các đồ vật phải có kẽ hở để tạo thuận lợi cho việc đối lưu của không khí trong tủ lạnh; các khay, hộp đựng thức ăn bằng nhựa có ưu điểm nhẹ, rẻ, vệ sinh nhưng những vật dụng này hấp thụ nhiệt chậm nên tốn điện.

Để đồ ăn vào khay, hộp nhôm hay inox sẽ hấp thụ nhiệt độ tốt, làm lạnh nhanh, tiết kiệm điện hơn. Thực phẩm cho vào túi ni lông kín rồi hãy cho vào tủ để hơi ẩm khỏi thoát ra tủ, làm tiêu hao điện năng. 

Mỗi năm nên lau bụi bặm phía sau tủ lạnh vài lần để tạo thông thoáng cho quá trình tản nhiệt.