Thursday, 08/05/2025 | 08:45 GMT+7

Đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

07/05/2025

Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ dự kiến sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh nghiệp cũng như các công ty dịch vụ năng lượng vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc là bảo lãnh vốn vay để thực hiện các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Chiều 5-5, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên thay mặt Chính Phủ trình bày tại phiên họp Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả ((SDNL TK&HQ).
Một trong những điểm nổi bật của dự án Luật là đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ.
Trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật tại phiên họp Quốc hội chiều ngày 5/5. Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội Lê Quang Huy cho biết: Quy định về Quỹ thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, có 2 quan điểm. Quan điểm thứ nhất cho rằng, việc thành lập Quỹ thúc đẩy SDNLTK&HQ cần tiếp tục nghiên cứu và phải được đánh giá thận trọng, cân nhắc kỹ lưỡng; nghiên cứu sử dụng Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Luật Ngân sách nhà nước, Bộ luật Dân sự đã có quy định về các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, quỹ xã hội; không nên quy định về Quỹ này trong dự thảo Luật.
Quan điểm thứ hai tán thành với quy định nêu trên nhằm thể chế hóa Nghị quyết số 55-NQ/TW; góp phần thực hiện các cam kết khi tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu lần thứ 26 (COP26) và dựa trên tham khảo kinh nghiệm quốc tế.
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy trình bày Báo cáo thẩm tra chiều ngày 5/5
“Ủy ban cơ bản thống nhất với quan điểm thứ hai. Tuy nhiên, cần nghiên cứu quy định rõ ràng, cụ thể và phù hợp hơn, nhất là quy định về thành lập, quản lý, mục tiêu, nhiệm vụ, cơ chế tài chính và sử dụng Quỹ”, Chủ nhiệm Ủy ban KH,CN&MT của Quốc hội Lê Quang Huy thông tin.

“Đòn bẩy” đầu tư, thúc đẩy SDNL TK&HQ

Theo đề xuất của Bộ Công Thương, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ theo hướng xã hội hóa, bảo đảm độc lập về tài chính, không trùng lặp với nguồn thu, nhiệm vụ chi của ngân sách nhà nước và hạn chế việc làm tăng chi phí hoạt động, sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh.
Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ có chức năng cho vay lãi suất ưu đãi, tài trợ, hỗ trợ lãi suất cho các chương trình, dự án, các hoạt động và nhiệm vụ thúc đẩy SDNL TK&HQ. Cơ cấu tổ chức, bộ máy quản lý và điều hành của Quỹ gồm có Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát.
Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sử dụng năng lượng.
Chính phủ quy định nguồn vốn của Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ. Nguồn vốn ban đầu của Quỹ là từ nguồn xã hội hóa theo quy định của pháo luật, dự kiến nguồn ban đầu sẽ thu từ nguồn vốn tài trợ từ các đối tác phát triển như: Ngân hàng Thế giới (WB); Cơ quan hợp tác phát triển Đan Mạch, Liên minh châu Âu… hoặc quỹ từ các tập đoàn đầu tư tư nhân, hoặc có thể lấy từ việc mua bán tín chỉ các bpn, trái phiếu xanh…. Dự kiến vốn điều lệ của Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ khoảng 1000 tỷ đồng. 
Nguồn lực của Quỹ dự kiến được sử dụng để cho vay với lãi suất ưu đãi, hoặc tài trợ, hoặc hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp đầu tư, thay đổi dây chuyền sản xuất nhằm giảm cường độ tiêu thụ năng lượng trong sản xuất, kinh doanh đáp ứng các yêu cầu tuân thủ của các tiêu chuẩn quy định. Quỹ có thể cung cấp các hỗ trợ kỹ thuật thông qua các Công ty dịch vụ năng lượng (ESCO), hỗ trợ đào tạo nâng cao năng lực chuyên gia… Thông qua cơ chế quỹ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giảm cường độ năng lượng trong sản xuất, kinh doanh nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu.
“Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ dự kiến sẽ được sử dụng để hỗ trợ cho các doanh  nghiệp cũng như các công ty dịch vụ năng lượng để có thể vay vốn với lãi suất ưu đãi hoặc là bảo lãnh vốn vay để thực hiện các dự án về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, để thay đổi công nghệ cũng như lắp đặt thiết bị để làm tăng hiệu suất năng lượng tại các cơ sở sử dụng năng lượng.”
Bà Nguyễn Thị Lâm Giang - Cục trưởng Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công, Bộ Công Thương
Việc đề xuất thành lập Quỹ thúc đẩy SDNL TK&HQ không chỉ thể hiện nỗ lực cụ thể trong việc hiện thực hóa các mục tiêu chuyển đổi xanh và phát triển bền vững, mà còn là một bước đi chiến lược nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường quốc tế. Sự đồng thuận bước đầu từ các cơ quan chức năng cho thấy tín hiệu tích cực trong việc tạo lập một cơ chế tài chính mới, hiệu quả và linh hoạt để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, tối ưu hóa sử dụng năng lượng. Đây sẽ là nền tảng quan trọng góp phần hiện thực hóa các cam kết quốc tế về khí hậu, đồng thời thúc đẩy tăng trưởng kinh tế gắn liền với bảo vệ môi trường trong giai đoạn tới. 

Kinh nghiệm quốc tế

Thái Lan
Từ năm 1992, Chính phủ Thái Lan đã thành lập Quỹ Tiết kiệm năng lượng (Energy Conservation Promotion Fund – ENCON Fund) theo Luật Quản lý Năng lượng, do Bộ Năng lượng quản lý. Quỹ được tài trợ từ thuế nhiên liệu và có nguồn thu ổn định, đảm bảo khả năng đầu tư dài hạn vào các chương trình tiết kiệm năng lượng và năng lượng tái tạo.
ENCON hoạt động như một quỹ xoay vòng và hỗ trợ đa dạng: Bao gồm: Tài trợ không hoàn lại cho nghiên cứu, thí điểm công nghệ mới; Hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp đầu tư vào nâng cấp hiệu suất năng lượng; Hỗ trợ đào tạo và nâng cao nhận thức cộng đồng về sử dụng năng lượng hiệu quả.
Tính minh bạch và quy trình thẩm định rõ ràng đã giúp ENCON trở thành một trong những mô hình quỹ hiệu quả nhất khu vực châu Á. Quỹ cũng hợp tác với ngân hàng thương mại, tổ chức tài chính quốc tế để đồng tài trợ các dự án quy mô lớn.
Hoa kỳ
Ngay từ thập niên 1990, nhiều bang tại Hoa Kỳ như California, New York, Massachusetts đã thành lập các Quỹ Năng lượng Sạch (Clean Energy Funds) với nguồn tài chính ổn định từ thuế năng lượng hoặc phụ phí trên hóa đơn điện. Điểm nổi bật là quỹ không phải một thực thể hành chính cồng kềnh, mà được ủy quyền cho các tổ chức bán công hoặc phi lợi nhuận điều hành theo mô hình quản trị minh bạch, độc lập.
Tại California, quỹ năng lượng sạch hàng năm đầu tư hàng tỷ USD cho các chương trình cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong các tòa nhà công cộng, trường học, doanh nghiệp nhỏ và các hộ gia đình có thu nhập thấp. Cơ chế hoạt động theo hình thức đồng tài trợ, bảo lãnh tín dụng và hoàn vốn từ tiết kiệm thực tế, giúp các chương trình vừa có hiệu quả kinh tế, vừa đảm bảo công bằng xã hội.
Đức
Chính phủ Đức vận hành nhiều quỹ và chương trình tài chính hỗ trợ hiệu quả năng lượng thông qua các thể chế như KfW (Ngân hàng tái thiết Đức) và BAFA (Văn phòng Liên bang về Kinh tế và Kiểm soát Xuất khẩu). Các quỹ này không chỉ cung cấp vốn vay ưu đãi cho doanh nghiệp và hộ gia đình, mà còn tài trợ một phần không hoàn lại cho các dự án đổi mới công nghệ tiết kiệm năng lượng.
Đặc biệt, chương trình "Quỹ Cải tạo Tòa nhà" đã tài trợ cho hàng triệu hộ dân nâng cấp hệ thống sưởi, cửa sổ, cách nhiệt và lắp đặt thiết bị thông minh, với tỉ lệ hỗ trợ lên tới 40% chi phí đầu tư. Ngoài ra, gói tín dụng hiệu quả năng lượng do KfW cấp cho doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) đã tạo điều kiện triển khai nhiều dự án tiết kiệm năng lượng mà không cần thế chấp tài sản lớn.
Cục Đổi mới sáng tạo, Chuyển đổi xanh và Khuyến công

QRcode ENG